Cuối đời Đường_Đức_Tông

Đường Đức Tông về cuối đời trở nên bất lực với tình trạng cát cứ của các trấn, đành phải chấp thuận chế độ cha truyền con nối của các trấn, như họ Điền ở Ngụy Bác, họ Vương ở Thành Đức, họ Lý ở Tri Thanh, họ Lưu ở Lư Long, họ Ngô ở Hoài Tây... Ba trấn Ngụy Bác, Thành Đức, Lư Long về cơ bản đã bán độc lập với chính quyền nhà Đường; sử gọi là Hà Bắc tam trấn.

Thời kì này, tình hình ngoài biên cương đã lắng dịu bớt do Thổ Phiên phải căng sức đối phó với Nam Chiếu, nên ít cử quân xâm phạm hơn trước và lần nào giao tranh thì quân Đường cũng chiến thắng. Còn ở bên trong, vào năm 799, do thiếu quân lương, Ngô Thiếu Thành cho quân cướp bóc và lấn chiếm các trấn xung quanh. Đức Tông bèn cho phép các tiết độ sứ khác là Hàn Hoằng ở Tuyên Vũ, Thượng Quan 涗, Y Thận ở An Hoàng[52] tiến binh thảo phạt, đồng thời tước quan chức của Ngô Thiếu Thành. Quân Đường đánh bại quân của Ngô Thiếu Thành trong một số trận, nhưng do trong quân không có người thống suất nên không có phương lược rõ ràng, mà tiết độ sứ thảo phạt Thiếu Thành cũng là chỉ muốn cướp bóc để làm giàu. Đầu năm 800, Ngô Thiếu Thành đánh bại quân Đường mấy trận lớn, cướp bóc thêm nhiều của cải. Để đối phó, Đức Tông phong cho Hàn Toàn Nghĩa làm Hạ Tuy tiết độ sứ[53], nhưng cũng bị Ngô Thiếu Thành đánh bại. Cuối cùng Đức Tông nghe lời của Tiết độ sứ Vi Cao, hạ chiếu xá tội cho Ngô Thiếu Thành vào cuối năm 800, chiến dịch kết thúc.

Những năm cuối thời Đức Tông, Nam Chiếu chủ trương liên minh với nhà Đường để cùng chống lại Thổ Phiên. Vua Nam Chiếu là Dị Mưu Tầm liên quân với Vi Cao đánh bại Thổ Phiên nhiều lần khiến chúng không còn đe dọa mạnh đến kinh thành Trường An như trước. Đến năm 803, Thổ Phiên phải sai sứ đến Trường An nộp cống và lập lại hòa bình, mặc dù sau đó chúng phải tiếp tục quấy phá biên giới. Cùng năm đó, Đức Tông phong thêm các tể tướng Cao Dĩnh và Trịnh Du.

Do Đức Tông đã già yếu nên dần giao bớt chính sự cho thái tử Lý Tụng. Lý Tụng và một số đại thần chuẩn bị thực hiện công cuộc cải cách đất nước về sau. Tuy nhiên đến tháng 9 ÂL năm 804 thì Lý Tụng bị bệnh nặng, trở nên liệt nửa người và không thể nói được.[54] Đức Tông cũng cảm thấy bi thương, thường khóc than cho thái tử, đến đầu năm 805 thì ông cũng lâm bệnh do quá đau buồn. Ngày 25 tháng 2 năm 805, Đức Tông băng hà[55], thọ 64 tuổi. Thụy hiệu đầy đủ Thần Vũ Hiếu Văn hoàng đế (神武孝文皇帝), an táng tại Sùng lăng (崇陵).

Các đại thần Hàn Lâm học sĩ Trịnh Nhân và Vệ Thứ Công đến điện Kim Loan soạn thảo di chiếu. Một số hoạn quan cho rằng Thái tử Tụng có bệnh nên chưa biết có nên lập hay không. Vệ Thứ Công vẫn muốn Thái tử Tụng nối ngôi, cuối cùng triều đình chấp nhận. Ngày 28 tháng 2, Thái tử Lý Tụng được đưa lên ngôi trong tình trạng không thể nói được, tức là Đường Thuận Tông.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đường_Đức_Tông http://www.sidneyluo.net/a/a16/012.htm http://www.sidneyluo.net/a/a16/013.htm http://www.sinica.edu.tw/ftms-bin/kiwi1/luso.sh?ls... http://www.sinica.edu.tw/ftms-bin/kiwi1/luso.sh?ls... http://www.sinica.edu.tw/ftms-bin/kiwi1/luso.sh?ls... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%...